Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Vì chúng ta là anh em...

Không thể chờ đợi thêm, tôi buông máy điện thoại, chạy vội đến khoa phóng xạ. Cầm tấm phim đến khoa nội hô hấp, tôi đạp cửa chạy vào, giơ tấm phim ra trước mặt bác sỹ, nói:

"Tôi là Châu Đoan ở khoa xét nghiệm, phiền ông xem giúp!"

Chỉ mươi phút sau, cả thế giới này đổ sập xuống trước mặt tôi. Tôi chạy một mạch xuống lầu, đứng rất lâu dưới một gốc cây hòe trong sân bệnh viện, sau đó rút điện thoại, bấm số máy của anh, máy "tút" rất lâu mới thấy anh nghe. Tôi hỏi xem anh ở đâu, anh đáp:

"Đang trên đường về nhà, cái laptop em muốn, anh đã mua rồi, siêu mỏng nhé, bảo đảm em sẽ rất thích nó".

Tôi cắn chặt môi, không nói được một lời nào. Anh bảo:

"Anh đang chạy xe trên đường, có gì về nhà sẽ nói sau nhé, được chứ?".

Tôi nghiêng đều, gạt lệ đáp:

"Vâng!"

Anh cười:

"Thế mới là em gái của anh chứ, hôm nay là sinh nhật của em, chúng mình sẽ thật vui nhé!".

Tôi nhắm mắt, chầm chậm giang tay, ôm lấy cái cây, lệ đẫm cả hai má. Tôi chưa dám nói cho anh biết anh bị ung thư phổi, bác sỹ nói đã đến giữa giai đoạn cuối, khả năng chữa khỏi không đến ba mươi phần trăm... Anh không phải là anh trai ruột của tôi. Mẹ tôi khó sinh nở, cha tôi nhặt được anh bị người ta bỏ rơi ngoài chợ.
  Suốt đời chúng ta vẫn là anh em tốt

Mặc dù đã có anh, mẹ tôi vẫn kiên trì không mệt mỏi đi tham vấn, chạy chữa về sinh sản, kết quả khi anh bốn tuổi thì tôi ra đời. Từ đó, địa vị của anh trong nhà tôi bỗng rớt xuống tới cả nghìn trượng. Năm tuổi anh đã phải làm đủ thứ việc nhà; anh bé như thế, rửa bát thì làm sứt mẻ, quét nhà không sạch... những việc anh làm như thế khiến cha mẹ tôi điên tiết. Tôi thực không biết cái tai của con người khi bị kéo nó sẽ dài ra bao nhiêu, giống như được làm bằng cao su hay sao ấy. Ngày tháng trôi qua, đôi tai của anh cứ to và dài ra hơn nhiều so với bình thường, ai nhìn thấy cũng bảo anh có đôi tai đẹp như thế, đúng là người có phúc.

Khi có cha mẹ tôi ở nhà, anh không dám nói to, càng không dám trêu đùa tôi nhưng hễ cha mẹ đi vắng là anh vui lắm, đuổi tôi chạy quanh nhà, hò hét ầm ĩ:

"Em, gọi anh đi, gọi anh đi nào!"

Khi anh lên chín tuổi, cha mẹ mới bắt tôi và anh cùng đi học. Học tiểu học ở thôn tôi, thực ra thì một năm học cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền. Trước sau gì thì tôi vẫn không chịu gọi anh bằng "anh", giống như cha mẹ thường chỉ gọi anh bằng tên.

Trước ngày tốt nghiệp tiểu học một hôm, anh đột nhiên quay đầu, ra bộ thần bí hỏi tôi:

"Có một chữ anh không biết đọc, em giúp anh nhé!"

Rồi nhoáy một cái, anh viết một chữ "anh" to tướng. Tôi bĩu môi:

"Đồ ngốc, đấy là chữ "anh"; anh ra bộ ngây ngô: "Hả, đọc là chữ gì?"

Tôi nói to:

"Anh, anh, anh! Có nghe rõ không hả?"

Mắt anh sáng lên, nhìn tôi:

"Nghe rõ rồi, hihi... Không phải là em vừa gọi anh đấy chứ?"

Tôi không nghe, vặc lại:

"Anh đúng là xảo quyệt, chữ "anh" ấy là "anh hùng" chứ không phải là "anh em" đâu nhé, đừng có mà tưởng bở!"

Anh cũng không chịu:

"Muốn viết thế nào mặc kệ, em vẫn đọc là "anh" mà!"

Anh vui sướng nhảy cẫng lên, chân tay khua khoắng loạn xạ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh vui như thế. Đột nhiên tôi nhận ra anh đã mười lăm tuổi nhưng bắp chân, cẳng tay anh vẫn khẳng khiu và đầy những vết thương tích cũ có, mới có. Trong tâm hồn trong sáng của tôi như bị hàng trăm con kiến cắn, vết cắn tuy nhẹ nhưng lại rất đau.

Từ lúc đó, tôi quyết định gọi anh bằng "anh". Tuy nhiều năm qua cha mẹ tôi ngoài miệng vẫn bảo chúng tôi phải coi nhau như anh em nhưng thực tế thì họ xem anh chẳng khác gì người ngoài. Khi tôi lên trị trấn học cấp hai thì anh bỏ học. Cha mẹ tôi bảo chỉ có khả năng cho anh học hết tiểu học đã là tốt cho anh lắm rồi, anh còn phải làm việc để kiếm tiền cho nhà tôi.

Cậy có ưu thế về chiều cao, anh khai man lên mười tám tuổi, đến xin việc làm ở một xưởng gạch ngói gần trường tiểu học. Xưởng gạch ngói nhả khói bụi đầy trời, mũi, họng anh sặc đầy khói bụi. Cứ hết giờ làm việc là anh phải súc rửa họng thì mới nói được thành tiếng. Cha mẹ tôi bảo anh:

"Chúng ta lo kiếm tiền cho Châu Đoan học lên đại học, còn con phải lo khoản sinh hoạt phí cho nó."

Anh nghe nói, gật đầu lia lịa:

"Đúng vậy, đúng vậy!"

Trừ chi tiêu cá nhân, hàng tháng anh đều giao hết tiền lương cho cha mẹ tôi nhưng họ vẫn vắt óc, nghĩ ra đủ cách để khai thác anh một cách tối đa, kể cả thừa nhận tôi là em gái anh, thường nói với anh những việc đại loại:

"Giày của em gái con chật rồi, em gái con cần mua tài liệu học tập."

"Em gái con."

3 từ ấy là trách nhiệm của anh nhưng chưa một lần anh kêu ca hay than vãn.

Ngày tháng trôi qua, tôi đã tốt nghiệp trung học. Trong sáu năm, anh đã trở thành một thanh niên, chỉ có điều là một thanh niên còm nhom, vàng vọt. Những năm tháng cơ cực trong khói bụi đã làm cho khí quản của anh càng ngày càng thêm tồi tệ, anh ho sù sụ suốt ngày như một ông lão. Anh đến trường học tìm tôi, bạn học đều trêu:

"Anh cậu có phải từ thời chết đói xuyên thời gian đến à?"

Về nhà tôi cãi lại bố mẹ:

"Cha mẹ đối xử với anh ấy thiệt thời như thế chứ.”

Anh nghe được câu nói ấy của tôi thì cảm kích lắm, nói:

"Em à, đừng có oán trách bố mẹ. Bố mẹ đã nhặt anh về thì đây đã là nhà của anh, em là em gái tốt của anh rồi mà!".

Tôi đi học đại học ở nơi khác, anh xin cha mẹ tôi cho anh đi theo vừa để tìm việc kiếm tiền, vừa để tiện được chăm sóc tôi. Ở thành phố lớn tiêu tốn rất nhiều tiền, một người lao động bình thường không có học vấn như anh thì chỉ có thể làm loại công việc chân tay nặng nhọc, thu nhập thấp. Anh phải hết sức trầy trật để cho tiền tôi theo học đại học.

Bố mẹ tôi vẫn bảo với anh:

"Chúng ta phải lăn lộn ngoài đồng ruộng mới tạm đủ no bụng, em con vừa mới vào học đã tiêu sạch hết tiền tích lũy của chúng ta, nếu con không làm tròn trách nhiệm với nó thì nó chỉ có đường về quê làm ruộng thôi. Còn nữa, em con không có điều kiện tốt, không có ai chống lưng cho nó nên con phải tìm cách kiếm thêm cho nó ít tiền, sau này nó đi tìm việc, có quan hệ rộng thì mới có chỗ làm việc tốt được!"

Anh buồn đến mất ăn, mất ngủ, ngày nào cũng chạy tứ tung tìm việc làm, muốn tìm được việc có thu nhập cao một chút nên anh đã gặp phải những cặp mắt trắng dã và những lời nhục mạ thô tục. Hơn một tháng sau, anh hào hứng cho tôi hay rằng công sức phải bỏ ra đã không phụ công anh, anh đã tìm được một công việc tốt. Khi tôi cố hỏi anh đã tìm được việc gì thì anh cười:

"Bí mật, anh không có đi trộm cướp mà vẫn có tiền để em yên tâm sử dụng là được."

Cứ mỗi nửa tháng anh lại đưa tiền cho tôi một lần nhưng tuyệt đối không cho tôi đến chỗ anh. Anh bảo rằng nơi anh làm việc toàn những người thô lỗ sẽ làm tôi hoảng sợ. Nghe anh nói vậy, tôi cũng không hỏi lại nữa và tiền anh đưa cho tôi càng ngày càng nhiều thêm, thậm chí còn dư dả để tôi mua được quần áo đẹp và cả son, phấn nữa.
  Suốt đời chúng ta vẫn là anh em tốt

Rồi có một hôm, tôi vô ý bị kẻ trộm nẫng mất cái ví đựng tiền, nhất thời không biết trong vào đâu mới sực nhớ ra cái chỗ anh thuê nhà ở mà đã có lần anh sơ ý nói ra, tôi liền tìm hỏi đường đến chỗ anh. Anh không có ở nhà nhưng đồng nghiệp của anh hứa sẽ dẫn tôi đi tìm anh.

Tôi không tài nào có thể tưởng tượng nổi, rằng đồng nghiệp của anh lại dẫn tôi đến dưới chân một ống khói khi hỏa táng của nhà tang lễ. Vừa mới đến gần, một cơn gió ào ào thổi tới khiến toàn thân tôi run bắn. Người đồng nghiệp chỉ tay:

"Đó, anh ấy đang làm việc trên ấy".

Trước mắt tôi là một ống khói cao dễ đến một trăm năm mươi mét, chọc thẳng đến tận mây xanh. Anh mặc chiếc áo bảo hộ màu đỏ, trông giống như một con bồ câu có bộ lông màu huyết dụ đang treo lơ lửng trên cao. Nhìn bộ dạng kinh ngạc của tôi, đồng nghiệp của anh giảng giải:

"Cô có biết vì sao anh cô làm việc này không? Đây gọi là thợ nạo ống khói, cũng là thợ đốt kiêm dọn tro bụi lò thiêu tử thi của nhà tang lễ. Những công việc này vừa dơ bẩn độc hại, vừa nguy hiểm rất ít người muốn làm cho nên tiền công tương đối cao..."

Người đồng nghiệp quan sát tôi một lượt, chậm rãi nói tiếp:

"Làm việc này thì phải gắng sức mà chịu đựng, gặp phải tử thi của kẻ ác tâm thì hôi thối kinh người. Ít nhiều còn bị nhiễm sặc bột tro xương nữa; anh cô yếu, sức chịu đựng kém nhưng luôn nói là em gái thiếu tiền. Chẳng cần tôi phải nói, cô cứ nhìn cái áo của anh cô mặc mà xem, chí ít cũng phải mất mấy buổi nghỉ ngơi, tiêm thuốc kháng sinh chống viêm đường hô hấp, phải không?".

Thời tiết giữa buổi trưa tháng sáu, mặt tôi và cả mặt đất nữa đều nóng như bị chảo lửa hắt vào. Tôi ngửa mặt nhìn lên, nước mắt như mưa. Tựa hồ như cả một thế kỷ trôi qua, anh mới tụt xuống đến mặt đất, kiệt sức, mặt đen bóng. Nhìn thấy tôi, anh vô cùng kinh ngạc, trách anh bạn đồng nghiệp lẽ ra không nên đưa tôi đến. Tôi khóc ầm, nhào đến ôm lấy anh:

"Anh, đời này, kiếp này em nợ anh quá nhiều rồi, cả nhà em nợ anh quá nhiều rồi!".

Hiển nhiên anh không quen với kiểu ôm ấp ấy, anh đỏ mặt lên, đẩy tôi ra, lắp bắp khuyên tôi gì đó không rõ nhưng anh càng nói, tôi càng khóc to. Anh cuống lên, bảo:

"Em còn nhớ cái chữ anh viết, em đọc năm ấy không? Mình đã là anh em của nhau thì nợ nần gì nhau chứ!"
  Suốt đời chúng ta vẫn là anh em tốt

Tôi dọa bỏ học, nói bố mẹ không được lấy tiền của anh nữa, mặt khác anh cũng đã đến tuổi lập gia đình, về công ăn việc làm cũng cần phải có thể diện và còn phải tự lo liệu tương lai của mình nữa. Tôi ép anh phải bỏ việc nạo ống khói lò thiêu xác, về quê đi học lái xe, sau đó chung tiền với một người khác, mua một chiếc xe ô tô cũ để làm ăn. Anh đau lòng và ân hận bởi vì công việc mới mà phải tiêu hết số tiền đã để dành cho tôi nên ráng sức chạy xe ngày đêm mong bù đắp lại phần nào số tiền đã bỏ ra mua xe. Còn tôi, tôi chẳng biết làm gì, chỉ mong sớm được tốt nghiệp, có việc làm để đỡ gánh nặng cho anh, để chúng tôi sẽ có với nhau những ngày hạnh phúc giản dị.

Tốt nghiệp xong, tôi may mắn được phân công đến làm việc ở một bệnh việc tốt trong thành phố, thần khí của anh thì mỗi ngày một xấu đi trông thấy, ho càng ngày càng nặng, động một tý là cảm mạo, là sốt. Bằng trực giác của con nhà ý, tôi rất lo lắng về sức khỏe của anh, bất luận thế nào anh cũng phải để tôi đưa vào bệnh viện để kiểm trả sức khỏe, cho đến hôm sinh nhật của tôi...

Mọi người qua lại cứ dán ánh mắt ngạc nhiên vào tôi. Tôi mặt chiếc áo khoác màu trắng, ngồi dưới gốc cây, khóc như một kẻ điên. Làm sao tôi có thể tự kiềm chế mình chứ? Cả cuộc đời anh từ nhỏ đến lớn, gần như mỗi ngày đều giãy giụa trong khổ nạn, đau đớn, vì tôi và vì cả nhà tôi mà quên lãng cả sức khỏe, cả sinh mạng của mình. Trong tim anh, tôi là em anh, vì thế anh có trách nhiệm với tôi, anh cho rằng anh nợ và phải trả nợ tôi. Tôi bỗng nhận ra rằng, anh đã sớm biết rõ về bệnh trạng của mình, không phải chờ đến sinh nhật tôi mới đi kiểm tra sức khỏe, rồi dùng số tiền tích cóp được tự tay mua cho tôi chiếc máy tính xách tay, dặn dò tôi phải luôn vui sống hàng ngày.

Mặc kệ nước mắt chảy đẫm khuôn mặt, tôi đứng dậy. Tôi phải chạy ngay về nhà, nói với anh:

"Anh, em phải chữa khỏi bệnh cho anh dù có khuynh gia, bại sản, vì anh là anh của em!".

Người lớn cô đơn

Có những lúc chợt thổn thức cảm giác trống vắng đâu đây… Cô đơn không phải vì ta chỉ có một mình ở cái Sài Gòn đông đúc thân thuộc, không phải trong danh bạ điện thoại chẳng có ai để chuyện trò, cũng chẳng phải không có người ngồi nhâm nhi ly cafe mỗi tối hay mỗi ly bia chiều thứ bảy… Cô đơn vì bàn tay này chưa đủ sức nắm tay ai đó thật chặt, bờ vai này cần nơi tựa vào, cần ai đó chờ tôi mỗi tối đêm mưa…

“Thành phố bé thế thôi mà tìm hoài chẳng được, tìm hoài sao chẳng thấy nhau giữa chốn đông người…” có lẽ nói đến câu này mọi người sẽ chợt nhớ ra đây là câu hát của nhạc sĩ Phạm Hồng Phước. Nhạc sĩ mà tôi không phải là fan hay là gì cả nhưng tôi lại thích nghe những câu chuyện của anh viết thành câu hát. Mỗi câu hát dường như đang muốn nói về tôi thì phải.
Cái câu chuyện người lớn này không biết phải bắt đầu từ đâu, từ trong cái suy nghĩ chưa chính chắn của cái thằng đang trưởng thành như tôi hay từ trong cái quán nước giữa thành phố không màu này.
Lang thang ở góc ngã tư Sài Gòn, tôi tự hỏi tôi là ai trong nhịp sống hối hả này. Một ngày bận rộn, bù đầu với công việc, trường lớp, với cái màn hình laptop. Đôi khi tôi thấy cô đơn trong chính cuộc sống của mình, cô đơn giữa Sài Gòn này. Cô đơn lặng thầm bước đi trong chiếc bóng của mình, bầu bạn với chính mình và sống khép kín để rồi trĩu nặng trong lòng khi nhìn mưa rơi. Mối tình đã qua ấy đọng lại trong tôi quá nhiều khoảnh khắc khiến tôi nặng lòng. Tôi sợ rằng khi tôi bắt đầu một tình cảm mới, tôi có thể nào có lại được những rung động xưa cũ không. Tôi sợ rằng quá khứ sẽ là những sợi dây vô hình níu kéo trái tim tôi. Tôi sợ…

Phải chăng Sài Gòn quá rộng lớn để không thể tìm được niềm vui ? Phải chăng thành phố này vắng đi những thương yêu? “Là vì tôi, hôm nay cô đơn giữa đường phố thân thuộc. Là vì tôi, hôm nay cô đơn giữa đời trôi.”
Mỗi tối đi học về tôi thường dạo bước trên con phố quen, dừng lại chờ ngã tư đèn đỏ bất giác tâm trí lại ùa về những kỉ niệm. Nhìn những cặp đôi cười đùa bên nhau lòng tôi như chạnh lại. Có cảm giác đang ghen tị như vậy đó, cảm giác dường như không diễn tả được thành lời chỉ còn cách là nén vào tâm trí rồi lướt qua.


Vào facebook cũng vậy, nỗi cô đơn cũng bao trùm ở đó. Cô đơn không phải không có ai nói chuyện với tôi ở đó mà là status cô đơn của quá nhiều bạn trẻ hiện diện. Đã cô đơn lại gặp cô đơn thì trở trở thành cô đơn chồng chất. Một lần nọ, tôi vô tình bắt gặp một câu nói tôi đọc được trên mạng “Cô đơn của một đứa trẻ đơn giản là lúc bên cạnh chúng không có ai. Nhưng cô đơn của người lớn lại là lúc đứng giữa vạn người vẫn thấy tim mình lạnh” Tại sao lại như vậy nhỉ? Phải chăng vì trái tim đã bị tổn thương quá nhiều, nên nó chai sạn, nó hờ hững, nó vô cảm xúc, nó trống trải.
Những lúc như vậy, tôi chỉ ước thời gian quay ngược lại để trở thành một đứa con nít, để tôi khỏi phải bận tâm lo lắng về cuộc sống, chỉ muốn mình đơn sơ ngây ngô. Có lẽ như vậy cuộc sống mới đơn giản hơn, phải không? Càng lớn, con người càng phải đối diện với mất mát, buồn khổ, sự chia li, những khó khăn trong cuộc sống, những vấp ngã, và cả những cám dỗ,… Có lẽ chính vì vậy, mà tôi lại dễ cảm thấy cô đơn, không ai hiểu được lòng tôi, không ai có thể chia sẻ làm tôi vơi bớt nỗi cô đơn. Con người, có nhiều cách để trải qua sự cô đơn, sự trống trải sau một mối tình tan vỡ. Dù có cô đơn, nhưng cũng phải tiếp tục sống, và sống tốt hơn như thế.
Cuộc sống của một “người lớn” thật có quá nhiều áp lực, quá nhiều lựa chọn mà ta phải biết quyết định đúng đắn, nó khiến ta mệt mỏi, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Giữa dòng xe cộ đông đúc, tự hỏi mình đã làm được gì để bản thân thấy hài lòng, thỏa mãn? Tôi ước mình có thể ăn món xôi cốm do chính tay mẹ nấu, được ngửi mùi thơm dịu nhẹ từ tóc mẹ, được nghe ba nhắc nhở những khi tôi phạm lỗi.
Đã bao giờ bạn “chạy xe kiếm tìm”, đã bao giờ bạn “chạy theo nỗi niềm”, đã bao giờ bạn “chạy theo chuyến tàu đã ra khơi”? Có lẽ bạn sẽ hỏi lại “tàu đi về đâu?”, “thế giới này có đủ rộng” để bạn tiếp tục bước đi không? Để trở thành người lớn, bạn phải trả một cái giá rất đắt. Còn tôi, tôi ước mình là trẻ thơ, hay là một chú chim tự do tự tại trên bầu trời rộng lớn, ước thời gian trôi chậm thật chậm để tôi không lớn. Nhưng rồi có ai tránh được mình có thể lớn lên không?


Thời gian qua đi ta vuốt nhẹ luồng không khí…. như nuối tiếc một thứ gì vừa tuột mất…
Tôi khác gì với những người kia, những con người đang tồn tại và hiện diện trên thế giới này có chăng là những khoảng đời riêng những suy nghĩ riêng. Những người lướt qua trước mắt tôi đôi lúc tôi cũng hời hợt, vô tư cũng đôi lúc muốn nắm họ lại, giữ bên mình và rằng muốn kéo họ vào thế giới của tôi nhưng lại sợ…
Cô đơn là chút vấn vương còn đọng lại trên làn mi khép hờ. Cô đơn như đứng giữa dòng người tấp nập không ai đón đưa. Cô đơn cũng giống như tiếng thổn thức của một trái tim đã tổn thương. Và cô đơn cũng là nỗi lòng mong chờ của đứa con xa nhà. Người lớn cô đơn là thế đấy.
Nhưng tôi cô đơn nay cũng quen rồi